LỜI KHUYÊN DU LỊCH: Xem thông tin cập nhật mới nhất tại đây.
Ăn uống như người Sài Gòn

Ăn uống như người Sài Gòn

Ăn uống tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh quả thật rất công phu. Không ngoa khi nói để thưởng thức hết hàng ngàn món ngon Sài Gòn thì cả một đời người là không đủ. Hãy để chúng tôi gợi ý bạn những món ăn ngon miệng, đúng điệu người Sài Gòn có giá cả hợp lý trong bài viết này.

 

Hủ tiếu

“Buổi sáng Hà Nội ăn phở, Huế ăn bún bò thì Sài Gòn ăn hủ tiếu. Hủ tiếu là món ăn mà người địa phương phải bối rối vì độ đa dạng từ nguồn gốc, đến cách nấu và thưởng thức.”

Nói về nguồn gốc, nấu theo kiểu người Hoa thì có hủ tiếu sa tế thơm nồng mùi ớt xả cùng nước dùng màu đỏ cam bắt mắt, còn hủ tiếu Hồ nước dùng đậm sệt, thơm vị thảo dược Đông y. Nấu theo kiểu Campuchia thì có hủ tiếu Nam Vang nước dùng vị ngọt thanh ăn cùng hải sản. Còn kiểu Nam Bộ có hủ tiếu Mỹ Tho sợi dai thơm ngát mùi tỏi phi, hủ tiếu Sa Đéc có sợi trắng đục, mềm và hơi giòn, hủ tiếu gõ thì có mặt khắp mọi ngõ ngách trong thành phố. Người địa phương cũng khéo léo nấu thêm hủ tiếu với cá, bò viên và bò kho để ăn không ngán. Thông thường, họ ăn hủ tiếu với nước dùng nhưng nếu ngán thì sẽ chuyển sang ăn hủ tiếu khô. Ăn tô hủ tiếu nóng hổi kèm dĩa rau xanh ngắt, giá đỗ rồi tiện tay gắp thêm mấy lát ớt tươi cay the là trải nghiệm ngon khó tả bằng giấy bút.

 


Gỏi cuốn

 

Buổi trưa, nếu ngán cơm nhà thì người địa phương sẽ nhâm nhi món gỏi cuốn. Cái hay của món này là không có dầu mỡ, lại có cả thịt, tôm, bún, rau xanh bọc trong lớp bánh tráng mỏng, vừa tay nên ăn nhiều không ngấy. Ăn gỏi cuốn với nước mắm chua ngọt hay mắm nêm pha có chút ớt cay là thức tỉnh ngay mọi vị giác. Người địa phương làm việc văn phòng thì chuộng món ăn này nhất bởi dễ mua, tiện lợi và giá cả vừa với túi tiền. Gỏi cuốn cũng đa dạng cách chế biến như hủ tiếu, người địa phương còn cuốn thêm với bì heo, nem, thịt gà rồi chấm với nước sốt lá quế, tương đậu phộng hoặc mắm me chua ngọt. 

 


Cơm tấm

Không rõ có từ bao giờ nhưng cơm tấm gắn liền với tuổi thơ biết bao thế hệ người Sài Gòn. Những năm 70 thế kỷ XX, cả hai thương hiệu Thuận Kiều và Kiều Giang đã trở nên vang danh với món cơm tấm sườn, bì, chả với những người yêu thích ẩm thực trong và ngoài nước. Giờ đây, cơm tấm là đặc sản của Sài Gòn. Nhất là về đêm, hàng quán cơm tấm khắp thành phố sáng đèn, toả mùi thịt nướng thơm phức trước cửa mời gọi người ăn. 

“ Món cơm bày trên 1 dĩa to, sử dụng thìa và nĩa giống như cách ăn Tây phương. Người bán xúc giá cơm nóng lên giữa dĩa rồi sắp miếng sườn nướng than hoa thơm nức mũi, trứng ốp la, bì heo, chả trứng và dưa leo. Cuối cùng, rưới thêm thìa mỡ hành thơm béo là được phần cơm tấm thập cẩm. Nước chấm ăn cùng được chế biến từ nước mắm ngon, đường, chanh, tỏi ớt và dưa chua có vị chua ngọt, đậm đà vừa phải. Đặc biệt, nước chấm phải chan vào dĩa cơm rồi ăn mới ngon, thay vì chấm từng thứ vào bát.”


Ốc và hải sản

 

“Ăn ốc” là cách mà người địa phương gọi chung để thưởng thức các loại hải sản như ốc, sò, nghêu, tôm, ghẹ. Vừa ăn ốc vừa nhâm nhi ly bia mát lạnh thì đích thực là cách ăn uống của người Sài Gòn. Ăn ốc khá công phu vì có hàng chục loại tươi sống khác nhau, được chế biến theo hơn chục cách tại các quán bình dân. Nổi tiếng nhất là đường Vĩnh Hội tại Quận 4 và dọc khu bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè luôn đông khách và náo nhiệt. Để thực khách không ngán, các hàng quán còn bổ sung thêm các món ốc chế biến với trứng muối, phô mai hoặc bơ tỏi ăn cùng bánh mì khá thú vị và lạ miệng.