Quay ngược dòng lịch sử khám phá những nơi hoạt động bí mật, hầm cất giấu vũ khí và trạm giao liên để nghe kể về chiến công hào hùng của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa. Tất cả là những trải nghiệm vô cùng độc đáo, sống động gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người thành phố mà bạn không thể bỏ qua.
Vào buổi sáng khi ngồi trên những chiếc xe máy cổ, bạn sẽ ghé thưởng thức cà phê bơ hoặc bạc xỉu ăn cùng với giò cháo quẩy tại quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ nằm tại số 113A Đặng Dung, Quận 1. Nơi đây là Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và Hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Điều đặc biệt nhất là căn cứ này nằm đối diện khu cư xá công binh dành cho lính Hàn Quốc và sát nhà của ông Ngô Quang Trưởng (Tướng của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa) thời đó.
Sau đó, bạn lần theo dấu chân các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn quả cảm, can trường trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, đi qua những con đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng), Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự), Lê Duẩn (Thống Nhất) và Lãnh Sự Quán Mỹ. Dừng chân tại Bia tưởng niệm ở số 108 Nguyễn Du, Quận 1 (cổng sau Dinh Độc Lập) - nơi diễn ra cuộc tiến công của 15 chiến sĩ Đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định vào dinh, đã tạo nên chấn động lớn đối với chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ. Tấm bia cao 4,5m được chế tác phong cách trang nghiêm, tương quan với kích cỡ các bia đã dựng trước đây ở Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và trước Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Đặc biệt, trên bia có tạo tác cờ Tổ quốc tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc và hình tượng đốt tre thể hiện kiến trúc của Dinh Độc lập.
Tại điểm dừng chân cuối, bạn ghé vào Bảo tàng Biệt động Sài Gòn nằm ở tầng hai của một căn nhà xây dựng năm 1963 ở số 145 Trần Quang Khải, Quận 1. Ban đầu, ngôi nhà là cơ sở hoạt động bí mật của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai). Để lên tham quan bảo tàng có diện tích hơn 100 m2, bạn đi bằng chiếc thang máy cổ có cửa làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bên trong bằng gỗ, chạm khắc nhiều họa tiết cầu kì. Không gian bảo tàng ấm cúng, hiện trưng bày hơn 100 hiện vật của những người lính Biệt động Sài Gòn như chiếc xe đạp máy hiệu Solex của Pháp, lon sữa Guigoz, máy ảnh Yashica 635,…. Bằng công nghệ hiện đại, màn hình chạm ở đây giúp bạn dễ dàng tìm hiểu chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển hào hùng, những trận đánh vang dội, các di tích còn lại của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Bạn còn được xem những bộ phim ngắn về lực lượng Biệt động Sài Gòn trình chiếu màn ảnh rộng vô cùng sinh động. Từ đó, bạn có góc nhìn toàn diện hơn về lịch sử và những con người tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn năm ấy.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các cơ sở từng là nơi hoạt động bí mật, cất giấu vũ khí của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn xưa nằm trên đường Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu. Để kết thúc hành trình khám phá thú vị trọn vẹn hơn, bạn nên quay về quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ để thương thức món cơm tấm Đại Hàn nổi tiếng Sài Gòn. Món ăn là sự pha trộn tuyệt vời giữa cơm tấm Việt Nam cùng kim chi Hàn Quốc tạo nên sự mới lạ về hương vị cho người ăn.
Để tham gia hành trình ngược dòng lịch sử lần theo bước chân của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa, bạn có thể lựa chọn đi tự túc hoặc tham khảo tư vấn thông tin miễn phí và đặt mua tour tại:
“Tour Biệt động Sài Gòn là sản phẩm du lịch mới nằm trong dòng tour Văn hóa – Lịch sử nhằm giáo dục và lan tỏa cho thế hệ trẻ về các giá trị truyền thống và tinh thần chiến đấu anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định qua đó thêm yêu và tự hào về những anh hùng thầm lặng đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.”