LỜI KHUYÊN DU LỊCH: Xem thông tin cập nhật mới nhất tại đây.
Ghé thăm những địa điểm nổi tiếng ở Chợ Lớn

Ghé thăm những địa điểm nổi tiếng ở Chợ Lớn

Thế kỷ XVIII, người Hoa Minh Hương đến vùng Chợ Lớn sầm uất sinh sống và tổ chức buôn bán rất nhộn nhịp, nay là địa bàn quận 5, 6, 11 cùng một phần quận 8 và 10. Trải qua bao thăng trầm thời cuộc, kiến trúc những con phố, nhà cửa, hội quán cho đến nếp sống con người nơi đây đều còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa. Chúng tôi gợi ý bạn ghé thăm những địa điểm nổi tiếng trong hành trình khám phá trọn vẹn vùng Chợ Lớn tại bài viết này.

 

Viếng thăm không gian miếu cổ linh thiêng

Miếu Thiên Hậu (Hội quán Tuệ Thành)Chùa Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng) là những không gian linh thiêng thờ vị nữ thần biển cả gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu rất được người Hoa sùng kính. Cả 2 địa điểm luôn thu hút đông đảo người dân địa phương và cả du khách lui tới tham quan, phụng thờ hương khói.

 

 

Miếu Thiên Hậu (710 Nguyễn Trãi, Quận 5) được cộng đồng người Hoa Quảng Đông, gốc ở huyện Tuệ Thành (Trung Quốc) xây dựng tại Chợ Lớn từ năm 1760. Trên nóc miếu được trang trí hoa văn, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Thân (1908). Bên trong miếu hiện còn giữ bộ lư lớn nhất so với những bộ lư ở những miếu khác trong thành phố. Đặc biệt, vào ngày 28 tháng Chạp diễn ra Lễ khai ấn cầu mong Thiên Hậu Thánh Mẫu phò trợ bình an và ngày vía bà vào 23 tháng 3 (âm lịch) hằng năm diễn ra nhiều hoạt động cúng bái linh thiêng, hội hè náo nhiệt.

 

Chùa Quan Âm (05 Lão Tử, Quận 5) xây dựng vào khoảng thế kỷ cuối 18 đầu thế kỷ 19, theo phong cách kiến trúc của người Hoa Phúc Kiến, gốc ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu (Trung Quốc). Ngôi chùa với đường bờ nóc uốn lượn, đầu đao cong vút gắn các mô hình tòa lầu các, cung điện xưa bằng gốm đủ sắc màu.

“Khác với một số hội quán người Hoa, sân và hậu điện chùa Quan Âm rất rộng rãi, bố trí thêm nhiều gian thờ phật, quan âm, quan công, thành hoàng, thái tuế,… phong thái uy nghiêm, chân phương. Phía trên mỗi gian thờ là phù điêu gỗ chạm khắc tinh xảo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy.”


Thử tài làm thợ chế tác kim hoàn 

Nếu yêu thích tìm hiểu về lịch sử ngành nghề thủ công của người Hoa tại Sài Gòn, đặc biệt là chế tác kim hoàn, bạn có thể đến Vietnam Silver House (65 Nghĩa Thục, Quận 5). Đây là không gian mà bạn có thể chứng kiến cả quá trình chế tác một sản phẩm bạc, từ những nét phác thảo ý tưởng ban đầu trên giấy, cho đến lúc hoàn thiện món trang sức tinh xảo.

 

 

Tuyệt vời hơn, khi những thợ kim hoàn thạo nghề sẽ hướng dẫn bạn tự tay chế tác trang sức bạc theo ý muốn cá nhân với các dụng cụ chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể mua sắm trang sức bạc chất lượng cao với những tạo hình độc đáo, lấy ý tưởng từ cuộc sống và văn hóa Việt Nam tại Vietnam Silver House. Ngoài ra, nếu muốn trang sức bằng vàng theo kiểu người địa phương bạn có thế đến mặt tiền chợ Thiếc (đường Phó Cơ Điều, Quận 11) quy tụ hơn chục cửa hàng vàng bạc đá quý bán hằng trăm loại trang sức, kiểu mẫu vô cùng đa dạng với mức giá phải chăng.

 


Dạo quanh mua sắm ở Chợ Bình Tây và một vài tuyến phố khác

Chợ Bình Tây (57A Tháp Mười, Quận 6) là ngôi chợ đầu mối lâu đời ở vùng Chợ Lớn, do một thương gia người Hoa đầu tư xây dựng năm 1928. Khu chợ rộng lớn, 12 cổng ra vào được thiết kế theo lối kiến trúc kết hợp Á-Âu. Với bề dày buôn bán gần 100 năm, chợ có trên 24 nghìn sạp buôn bán hàng hoá sỉ và lẻ đa dạng từ thực phẩm, hoa quả, đồ gia dụng cho đến vải vóc, quần áo thời trang,… Giữa chợ là khoảng sân rộng, thoáng đãng, để bạn dừng chân nghỉ ngơi. Về đêm, khu chợ sáng đèn tụ họp nhiều gian hàng bán đủ loại đặc sản, đồ lưu niệm, quần áo thời trang và đồ ăn thức uống.

Ngoài ra, nếu bạn là tín đồ thời trang thì không nên bỏ qua các khu chợ bán sỉ thú vị tại đây như chợ Soái Kình Lâm (481 Trần Hưng Đạo B, Quận 5) chuyên bán vải vóc, chợ Đại Quang Minh (31-33-35 Châu Văn Liêm, Quận 5) chuyên về phụ kiện thời trang may mặc hay chợ An Đông (Công trường An Đông, Quận 5) chuyên bán quần áo thời trang may sẵn và xuất khẩu.

 

Phố Đông y cũng là địa điểm làm nên hình ảnh đặc trưng của vùng Chợ Lớn. Toạ lạc tại điểm giao giữa 3 tuyến đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông, khu phố có hàng trăm hộ kinh doanh đủ loại thuốc Đông y. Từ trăm năm trước, thương buôn người Hoa đã vận chuyển dược liệu sang buôn bán và dần hình thành khu phố bán dược liệu sầm uất như hiện nay. Những cửa hàng bày bán dược liệu san sát nhau nối dài luôn tấp nập khách hàng. Đây cũng được xem là chợ đầu mối dược liệu Đông y tại miền Nam Việt Nam. Khi dạo quanh phố Đông y, bạn sẽ không khó để nhận ra hương thơm thuốc bắc đặc trưng. Vùng Chợ Lớn còn có phố tranh đường Trần Phú, phố lồng đèn đường Lương Nhữ Học, phố quần áo thời trang đường Nguyễn Trãi,… luôn tấp nập người mua kẻ bán từ sáng sớm cho đến đêm muộn.